Người họa sĩ già đi vẽ ‘mùa xuân’ trong con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn
- Cập nhật : 19/01/2017
Con hẻm nhỏ nằm trên đường Nguyễn Khoái (quận 4) là nơi khiến những người lần đầu tiên đến đây không khỏi ngạc nhiên bởi dọc theo con đường dẫn vào hẻm là rực rỡ những bức tranh được vẽ nắn nót trên tường. Chủ nhân của những bức tranh đó là chú Nguyễn Văn Minh, một họa sĩ lớn tuổi - người đàn ông hiền lành và tử tế nhất nhì khu phố này.
Men theo dọc con hẻm nhỏ để vào trong xóm, căn nhà màu hồng cuối con đường là nơi chú Minh đang sống cùng vợ con. Ai gặp chú chắc sẽ thấy vui vẻ ngay thôi bởi chú hay mặc áo có hoa, cỏ cây và đầu luôn đội cái mũ tai bèo đã cũ. Chú Minh, “chàng trai” hào hoa của đất Đà Lạt sau một trận mất ngủ suốt 7 năm liền và căn bệnh suyễn kéo dài đã làm chú không thể tiếp tục công việc đi dạy các em nhỏ ở trường khuyết tật. Thay vào đó chú bắt đầu vẽ, những nét cọ đầu tiên ra đời và rồi những con hẻm được lấp đầy bằng những bức tranh của chú cùng niềm đam mê được vẽ phố xá chỉ để “cho nó đẹp tươi hơn”.
Bàn tay tài hoa của người đàn ông tử tế
Vợ chồng chú nổi tiếng hiền lành trong xóm nên khi được hỏi ai cũng vui vẻ kể : “Vợ chồng chú Minh hiền lắm, dễ thương lắm. Tội ổng có giàu có gì đâu, giờ không còn đi dạy nên lâu lâu được vợ con cho tiền không để ăn mà lấy hết đi mua sơn mua cọ vẽ vậy đó. ”
Người đàn ông nghèo tiền giàu tình cảm đi qua một tác phẩm nghệ thuật của chính mình.
Những con ngõ nhỏ đầy sắc xuân
Còn chú Minh, người đàn ông hiền lành đó chơi được 3 loại nhạc cụ và có giọng hát rất truyền cảm dù đã 75 tuổi. Với chú, nghệ thuật đi liền với đời sống phải chơi văn nghệ, chơi thể thao thì mới sống vui sống khỏe được. Đó là lí do mà cứ mỗi chiều chú lại đi dạy võ cho lũ trẻ trong xóm, còn hôm nào thấy vui là sẽ ôm đàn ra sân để hát cùng vợ. Chú khoe: “Bả hát hay lắm đó, còn tui là hát cũng hay luôn. Xóm này mở liveshow là phải có gia đình mới được à nha.” - Chú nói xong cười ngất, giọng cười hiền lành như tiếng đàn mandolin chiều nay.
Những hộp sơn mua từ tiền tiết kiệm hàng ngày.
Vợ chú Minh khi được hỏi về đam mê vẽ những con hẻm của chú, cô chỉ cười hiền rồi nói : “Ổng mê lắm, bữa nào mưa gió không đi vẽ được là buồn hiu. Cho nhiêu tiền cũng lấy đi mua sơn để vẽ vậy đó rồi ăn cơm với nước mắm, nước tương. Ổng bị suyển ba cái sơn đó độc lắm nhưng nói ổng hông nghe đâu, ổng có đam mê mà.”
Cô cằn nhằn chú là vậy, nhưng sự triều mến và tự hào về người chồng tử tế của mình không thể nào giấu được…
Trong cái xóm nhỏ này, từ cái quán cơm bình dân đến cái vách tường trường mẫu giáo đều được chú Minh vẽ. Lúc đầu thấy tường ở dọc đường bẩn quá nên chú tự vẽ, sau đó mọi người cũng hưởng ứng theo rồi nhờ chú vẽ. Lúc hoa lá, lúc câu chúc khi thì cánh đồng. Ai kêu gì chú vẽ nấy, mà vẽ cái gì đẹp đẽ và hạnh phúc thì chú mới vẽ à nghen. Nghệ sĩ chân chính người ta tự trọng lắm!
Đi theo chân chú Minh cùng chiếc xe đạp đã cũ với rổ xe đựng đầy sơn của chú mới thấy người đàn ông này sao mà hiền lành đến vậy. Chú nói : “Ngày nào còn khỏe là tui còn vẽ à, mốt có tiền mua thêm sơn mình đi vẽ qua mấy cái phường khác luôn. Mở rộng địa bàn luôn cho khắp nơi đều đẹp.”
Chú cứ đi cạnh chiếc xe đạp, chốc chốc lại có người trong xóm hỏi với ra: “Đi vẽ hả anh Minh?”, “Nay vẽ đâu đó?”, “Nay khỏe hả anh Minh?”… Thì chỉ hỏi han dăm câu vậy thôi, nhưng đủ biết cái tình của người ở đây dành cho chú nhiều chừng nào rồi.
“Buồn buồn thì đi vẽ, vui thì ngồi hát”.
Chiều chú bắt cái ghế trắng ra trước hiên, ôm đàn rồi hát mấy bài hát cũ. Hàng xóm ngồi trong nhà nhìn ra mỉm cười rồi thi thoảng hát lẩm nhẩm theo chú. Thấy cuộc sống này còn chân thành và tử tế nhiều quá vì có những người như chú Minh. Người cầm cọ đi vẽ mùa xuân cho Sài Gòn!
saostar
Trở về