Sự khác nhau trong việc cúng ông Táo ở 3 miền
- Cập nhật : 18/01/2017
Ông đầu rau là tên gọi chung của 3 vị thần trông coi việc bếp núc, gồm có hai ông và một bà, họ cũng chính là ba vị Táo quân. Tại các vùng quê Việt Nam, bếp lò thường được làm từ đất sét nung, ngày nay mọi thứ dần hiện đại, hình ảnh chiếc lò nung được thay thế bằng bếp dầu, bếp gas, ông Táo dần được nghĩ theo khái niệm góc bếp, tuy nhiên cụm từ "đưa ông Táo về trời" vẫn luôn được mọi người nhớ đến.
Dân gian lấy ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân lên chầu trời căn cứ theo đạo Lão Tử, rằng 23 tháng Chạp là ngày Táo tâu bày thiện ác của nhân gian. Ai sống không phải đạo thì bị trừng phạt, ai tốt thì được ban phước. Người trần gian vì thế luôn muốn "nịnh" Táo bằng cách bày đủ đầy các món trên mâm cúng để Táo vui vẻ lên trời báo cáo với Ngọc hoàng.
Tại Việt Nam, từ sau rằm tháng Chạp, người dân 3 miền Bắc - Trung - Nam bắt đầu chuẩn bị dọn dẹp bếp núc chuẩn bị cúng. Việc tiễn ông Táo có một số nét chung nhưng theo tập tính văn hóa, mỗi miền vẫn có sự khác biệt nhất định, cốt yếu cũng là để ông Táo được lên trời "lưu loát".
Cúng ông Công ông Táo ở một gia đình miền Bắc. Ảnh: Giang Huy |
Cúng ông Công ông Táo miền Bắc
Ở miền Bắc, cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện từ 20 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp. Lễ vật không thể thiếu là vàng mã, cá chép, xôi chè, thường là chè bà cốt (nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu, gừng). Khi nấu chè cúng nhiều người cố tình để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo quân lên trời tâu bày những điều tốt đẹp.
Một số gia đình, Táo quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Sau khi cúng bái, đốt vàng mã, người ta cũng thay ba ông đầu rau (lò cũ) trong bếp bằng cách thả xuống ao và thay bộ mới vào bếp, thay bộ mũ trên bàn thờ. Những vật dụng cũ, chân nhang cũ cũng được dẹp dọn lau chùi tươm tất tỏ lòng kính trọng.
Cúng ông Táo ở miền Trung
Cầu kỳ và cung kính với ông Táo nhất chính là ở miền Trung. Cụ thể ở Huế và một số tỉnh lân cận, người dân vừa thờ ông Táo trên Trang Ông, vừa thờ trên bàn thờ nhỏ đặt ở bếp. Hằng tháng, cứ 30, mùng 1, ngày 14 và ngày rằm, chủ nhà đều mua hoa quả, thắp nén nhang và thắp đèn cúng. Người phụ nữ được căn dặn phải giữ sạch sẽ, tinh khiết và yên tĩnh nơi bếp núc.
Tượng ông Táo được thờ cúng ở Huế. Ảnh: Võ Thạnh |
Đến ngày 23 tháng Chạp, lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể, dân Huế thường đốt vàng mã, lễ cúng tiễn cũng bao gồm nhiều lễ vật, ông Táo cũ được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu hoặc đặt dưới gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường, thay vào đó là ông Táo mới. Chưa hết, tượng ba ông Táo mới, cũng được rước lên bàn thờ.
Cúng ông Táo miền Nam
Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, thay vì chỉ lau dọn nhà cửa, người miền Nam thường chú tâm hơn đến góc bếp. Ở quê, những nhà còn dùng lò nấu bằng đất nung, lò cũ sẽ được bỏ đi để thay lò mới. Ở thị thành, góc bếp được lau dọn sạch sẽ. Không nhiều gia đình miền Nam có bàn thờ ông Táo.
Mâm cúng ngày 23 của người miền Nam thường có bình hoa tươi, đĩa “thèo lèo cứt chuột” - món kẹo làm từ mè đen và đậu phộng, nhang, đèn, 3 chung nước nhỏ và bộ “cò bay, ngựa chạy” để đốt sau khi cúng nhằm tiễn Táo về trời nhanh hơn.
Từ mấy năm nay, người Sài Gòn có thói quen phóng sinh trong ngày đưa ông Táo. Ảnh: Thiên Chương |
Tại Sài Gòn, ngày cúng ông Táo được tổ chức linh đình ở những gia đình người Hoa. Ở khu Chợ Lớn, đến ngày 23 tháng Chạp, xách giỏ ra chợ là đã thấy sẵn người bày bán đủ bộ đồ cúng ông Táo. Chỉ cần về bày ra thắp hương khấn vái rồi đốt giấy cò bay ngựa chạy nghi ngút hương khói. Về nội dung khấn, người miền Nam thường xin ông Táo cho có đủ cái ăn và mọi chuyện trong gia đình đều êm thắm. Một số người con tập trung ra các con kênh để thả cá phóng sinh.
Không làm rình rang ngày tiễn, nhưng ông Táo đối với người miền Nam vẫn được kính trọng và thắp hương mỗi ngày rằm. Ở một số nơi, bếp lò cũ dù được vứt đi sau ngày 23 nhưng người lớn vẫn dặn trẻ con không nên giẫm lên hoặc bước qua.
Ngoisao.net
Trở về