Gió biển Tuy Hòa
- Cập nhật : 26/08/2016
Núi Đá Bia được coi như một biểu tượng tự nhiên của vùng đất Phú Yên. |
Nhân tham dự một cuộc hội thảo kiến trúc của khu vực miền Trung - Tây nguyên được tổ chức tại Tuy Hòa, thành phố lần đầu tiên tôi đến và lưu lại nhiều ngày. Ấn tượng đầu tiên là gió. Gió Tuy Hòa mát, phóng khoáng, dễ chịu và đặc biệt dù sát biển nhưng không có độ “rịn, rít” của muối mặn như các thành phố biển khác.
Bất chợt gặp rồi bất chợt nhớ bài thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh: Ơ cái gió Tuy Hòa / Cái gió chuyên cần / Và phóng túng / Gió đi ngang đi dọc / Gió trẻ lại lưng chừng / Gió nghĩ, Gió cười, Gió reo lên lồng lộn...
Gió tang bồng đuổi bắt giữa mơn man nắng màu mật ong. Trời đất thật tuyệt vời. Những ngọn gió làm du khách khoan khoái, bớt đi nỗi mệt nhọc sau một hành trình dài.
Mặc dầu đã tách tỉnh hơn hai mươi năm rồi, nhưng Tuy Hòa vẫn chưa bị tốc độ đô thị hóa một cách quá đáng nên phố thị vẫn giữ được nét hiền hoà, dễ chịu. Tuy Hòa có một bãi biển dài mênh mông cát trắng mà không dễ gì các thành phố ven biển khác có thể sánh được. Từ môi trường, an ninh, cảnh quan thiên nhiên, bình độ của bãi biển đều rất lý tưởng cho những ai thích đến với biển. Đường Độc Lập chạy ven biển đã được mở rộng; rất may là hai bên lề đường đều trồng một dãy phi lao (dương liễu) chạy dài dọc biển.
Thực là may mắn vì nhờ phát triển chậm nên quy hoạch đường ven biển đã tránh được những sai lầm mà các thành phố ven biển khác đã mắc phải, những sai lầm không bao giờ sửa chữa được. Dãy phi lao ven biển là một giải pháp hiệu quả trong việc hạn chế nạn xói lở và gió bão. Từng chứng kiến biết bao những cơn bão cuồng nộ từ biển đổ vào đất liền mới thấy giá trị của những rừng phi lao này. Những nhà hàng, quán xá không thấy mọc lên ven biển nên phố nhìn ra biển thoáng rộng tầm mắt đến choáng ngợp trước màu biển biếc. Biển như ùa vào lòng phố.
Vịnh Xuân Đài, Phú Yên. |
Tuy Hòa vẫn thế, nho nhỏ thân thương, lạ mà quen, sơ ngộ mà như đã từng thâm giao. Thấy thương những căn nhà phố vẫn còn cửa đóng then cài, còn ngõ, còn sân, còn những giàn hoa pháo nở bừng trước hiên nhà. Vẫn còn những dãy phố như thế, hình như khái niệm mặt tiền nhà phố vẫn đang còn ngập ngừng đâu đó nên con người ở đây chưa phải vội vã bon chen.
Đã thấy xuất hiện những khu phố mới, khu dân cư mới, như mới từ trong lò dựng lên. Thành phố đã được nới rộng. Giữa phố mới phố cũ vẫn chưa có sự nối kết, có lẽ thiếu những điểm nhấn kiến trúc. Nhưng có một điều, những ngôi nhà ống mới tinh lại được thiết kế một cách cầu kỳ, từ đường nét, hình khối, màu sắc của kiểu nhà đều na ná giống nhau nên dễ gây ra sự nhàm chán. Phố mới mà không hiện đại, mới mà đã vội lạc hậu quê kiểng. Có một chút tiêng tiếc! Thành phố này cần ngay một quy hoạch chi tiết cho thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch như là một giải pháp cải thiện không gian kiến trúc liền kề để tạo nên một diện mạo đô thị mới. Không thì…
Anh bạn kiến trúc sư địa phương không khỏi ngậm ngùi: Người ta xây nhà không nhờ kiến trúc sư thiết kế, cứ tìm mẫu nhà trong quyển lịch của Thái Lan đã cũ rích, rồi kêu nhà thầu cứ thế một kiểu mà làm, nhô ra, lõm vào, bên trái bên phải xích qua xích lại đôi chút rồi xong, thành ra… Nghe than thở, tôi lại nhớ đến kiểu nhà có chóp trên mái ở Đông Hà (Quảng Trị) nhìn đâu cũng thấy. Ôi, những ngôi nhà rập kiểu như nhau khoác lên mình màu sắc như áo quần của những người lên đồng, cũng được thiết kế từ trong… lịch Thái Lan.
Bãi Ôm, một bãi tắm sạch và đẹp ở Phú Yên. Ảnh: Dương Thanh Xuân. |
Phú Yên có rất nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Những gành Đá Đĩa, một gành đá thiên tạo hiếm thấy, độc đáo; tháp Chăm núi Nhạn, nơi tổ chức những đêm thơ nguyên tiêu hàng năm; bãi Môn - mũi Điện - điểm cực đông trên đất liền, nơi đón bình minh đầu tiên của nước ta; Thạch Bi sơn, ghi dấu quá trình mở đất về phương Nam của vua Lê Thánh Tôn, núi Chóp Chài, nơi quân và dân giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ; đền thờ Lương Văn Chánh, vị tiền hiền chiêu tập lưu dân khai khẩn, dựng mở vùng đất Phú Yên...
Phú Yên với bờ biển dài 189km với nhiều vịnh, đầm, vũng nổi tiếng như đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, vũng Rô, vũng Lắm… cùng nhiều bãi tắm xinh đẹp làm say đắm lòng người như bãi Bàng, bãi Bàu, bãi Rạng, Xuân Hải, bãi Nồm, bãi Tràm, bãi Từ Nham, bãi Ôm, bãi Bình Sa, An Hải, Phú Thường, bãi Súng, bãi Xép, Long Thủy, bãi Gốc và nhiều gành đá, đảo ven bờ…
Biển Phú Yên có diện tích san hô ngầm trên 700 héc ta, nguồn ẩm thực hải sản phong phú, hấp dẫn. Ngoài ra là các nguồn nước khoáng nóng với nhiệt độ từ 50 đến 70 độ C rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe…
Với những lợi thế và đặc trưng rất riêng của địa phương, mong sao Tuy Hòa sẽ phát triển thành một đô thị duyên hải gắn liền với thế mạnh du lịch biển theo hướng nghỉ dưỡng, sinh thái và thể thao.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Trở về