rss - tinkinhte.com

Một năm chật vật của ông chủ Credit Suisse

  • Cập nhật : 08/08/2016
ke tu khi tidjane thiam chinh thuc tro thanh ceo credit suisse, gia co phieu ngan hang nay da mat gan 60% gia tri.

Kể từ khi Tidjane Thiam chính thức trở thành CEO Credit Suisse, giá cổ phiếu ngân hàng này đã mất gần 60% giá trị.

Tidjane Thiam thích nói đùa rằng ông rất mê làm việc áp lực cao. Nhưng sau 1 năm giữ vai trò CEO của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, có lẽ ông đã nhận ra rằng áp lực công việc còn nhiều hơn những gì ông tưởng tượng. Kể từ khi chính thức trở thành CEO Credit Suisse vào ngày 1.7.2015, giá cổ phiếu ngân hàng này đã mất gần 60% giá trị, kém hơn cả Deutsche Bank, một ngân hàng châu Âu khác cũng đang tái cấu trúc và thua cả đối thủ Thụy Sĩ UBS. Trong khi đó, chỉ số Stoxx Europe 600 chỉ giảm gần 40% trong cùng thời kỳ.

Thực ra, điều kiện thị trường lúc đó không mấy thuận lợi cho Thiam. Hồi tháng 10 năm ngoái, Thiam, nguyên CEO của tập đoàn bảo hiểm Anh Prudential, đã công bố kế hoạch giảm quy mô mảng ngân hàng đầu tư bằng cách bán đi càng nhanh càng tốt các tài sản rủi ro như các công cụ nợ phức tạp. Nhưng các vấn đề cũng xuất hiện gần như ngay sau đó. Đến cuối năm các thị trường tín dụng diễn biến xấu đi. Và Credit Suisse đã bất ngờ công bố các khoản thua lỗ lớn trong mảng giao dịch hồi tháng 3 năm nay.

Những biến động trên thị trường sẽ khiến cho nhiệm vụ của Thiam càng trở nên khó khăn. Các khách hàng trong mảng quản lý tài sản cá nhân có thể muốn tránh những điều kiện giao dịch không thuận lợi mà quyết định án binh bất động, nghĩa là Credit Suisse sẽ khó mà hưởng lợi từ mức phí các khách hàng này đóng, theo các chuyên gia phân tích. Mới đây nhất là sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) đã khiến cho các thị trường tài chính thêm chao đảo, càng gây khó cho quá trình tái cấu trúc của Credit Suisse.

Mặc dù có nhiều yếu tố khách quan tác động đến nỗ lực tái cấu trúc của Thiam, nhưng thông điệp chưa rõ ràng của ông về một chiến lược mới cho Credit Suisse, các mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 được cho là quá lạc quan và mối quan ngại rằng Ngân hàng cần nhiều tiền mặt hơn cũng là những yếu tố khiến cho uy tín của Thiam sa sút gần đây, theo giới phân tích. “Lúc đầu mọi người nghĩ rằng ông ấy có thể đi cả trên nước. Nhưng giờ họ cho là ông đang cố bơi”, chuyên gia phân tích Andreas Brun của Zuercher Kantonalbank nhận xét.

Là một kẻ ngoại đạo đối với ngành ngân hàng, Thiam được kỳ vọng sẽ có thể đưa ra các quyết định gan góc mà người tiền nhiệm Brady Dougan chưa làm được. Đặc biệt là giảm mạnh mảng ngân hàng đầu tư, tăng cường bộ phận quản lý tài sản cá nhân và bắt kịp các đối thủ về vốn. Tất cả những điều này Thiam đã và đang nỗ lực thực hiện. Thế nhưng, trong nội bộ ngân hàng, việc giá cổ phiếu lao dốc và viễn cảnh sa thải 6.000 lao động đã khiến cho tinh thần làm việc của nhân viên sa sút, đặc biệt tại mảng ngân hàng đầu tư, vốn đang đối mặt với đợt cắt giảm lao động lớn nhất, theo các nhà điều hành đã nghỉ việc và đang làm việc tại Credit Suisse trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.

“Trong bối cảnh ngành ngân hàng châu Âu đang gặp khó khăn, việc thiếu thông điệp rõ ràng, các mục tiêu cũng như kế hoạch kinh doanh cụ thể chắc chắn sẽ không giúp ích gì”, Hans-Joerg Rudloff, điều hành Credit Suisse First Boston từ năm 1989 đến 1994 và từng là thành viên ban điều hành Credit Suisse, nhận xét. “Họ đã khiến cho các nhà đầu tư và nhân viên lúng túng”, ông nói thêm.

gia co phieu credit suisse da giam gan 60% ke tu khi tidjane thiam tro thanh ceo vao ngay 1/7/2015

Giá cổ phiếu Credit Suisse đã giảm gần 60% kể từ khi Tidjane Thiam trở thành CEO vào ngày 1/7/2015

Liệu Thiam có thể vực dậy Credit Suisse? Thiam, 53 tuổi, từng là bộ trưởng của Bờ biển Ngà, nhận được nhiều lời khen có cánh vì đã thực hiện thành công chiến lược bành trướng châu Á trong quá trình ông dẫn dắt Prudential. Ông được đánh giá là người có sức lôi cuốn và một trí nhớ rất sắc sảo. Ông gây ấn tượng cho khách hàng với những mối quan hệ rộng rãi trong giới chính trị và doanh nghiệp, theo một nguồn tin thân cận. Đây cũng là một phần nguyên nhân ông được chọn cho vị trí CEO tại Credit Suisse dù chưa từng có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng.

Khi vạch ra chiến lược cho Credit Suisse vào tháng 10 vừa qua, Thiam đã thực hiện được hầu hết những gì nhà đầu tư trông đợi. Cụ thể, ông đã cắt giảm mảng ngân hàng đầu tư ngốn quá nhiều vốn để tập trung vào bộ phận quản lý tài sản cho những người giàu có trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và cam kết sẽ cắt giảm hàng tỉ USD chi phí. Ông cũng đã hạn chế rủi ro tại bộ phận giao dịch mà Credit Suisse thừa nhận đã giúp Ngân hàng đối phó tốt hơn với những biến động thị trường gần đây.

Nhưng niềm tin đối với Thiam đã lung lay sau khi ông nói rằng ông phát hiện quy mô của các giao dịch tín dụng rủi ro tại Credit Suisse chỉ trước thời điểm báo cáo quý IV hồi tháng 2, khi Ngân hàng phải ghi giảm tới 1 tỉ USD giá trị tài sản. Đối với một số người trong ngành, điều này cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực ngân hàng. Thiam thì nói ông được đào tạo trong lĩnh vực vật lý và toán học cũng như từng có thời gian tư vấn cho các ngân hàng khi còn là chuyên gia tư vấn ở McKinsey.

“Ông ấy phải chứng minh rằng, với nền tảng đào tạo và kinh nghiệm của mình, ông có thể quản lý mảng ngân hàng đầu tư. Thời gian sẽ trả lời tất cả”, Daniel Haeuselmann, nhà quản lý quỹ tại GAM, có sở hữu cổ phần của Credit Suisse, nhận xét.

Trong mảng ngân hàng cá nhân - được Thiam kỳ vọng sẽ là cỗ máy hái ra tiền của Credit Suisse trong những năm tới - tâm trạng của nhân viên có phần khá hơn nhưng vẫn còn đó những lo ngại về cơ cấu mới. Một phát ngôn viên của Credit Suisse cho biết Ngân hàng đang trải qua “một cuộc tái cấu trúc mang tính căn cơ và cần thiết” và có thể hiểu được vì sao cuộc tái cấu trúc khiến cho một số nhân viên cảm thấy bất an.

Có lẽ dấu hỏi lớn nhất về Credit Suisse liên quan đến vấn đề vốn, điều mà người tiền nhiệm của Thiam chưa giải quyết được. Thiam đã huy động của nhà đầu tư khoảng 6 tỉ franc và năm tới dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu ở bộ phận Thụy Sĩ để huy động lên tới 4 tỉ franc.

Tỉ lệ an toàn vốn cổ phần thường của Credit Suisse, một chỉ số quan trọng đo sức khỏe về vốn, đã đứng ở mức 11,4% trong quý I, cao nhất trong lịch sử gần đây của Ngân hàng. Nhưng con số này vẫn còn thấp hơn so với nhiều đối thủ.

Sự kiện Brexit cũng có thể cản bước chân của Thiam trong lúc này, nhất là khi Ngân hàng đang tìm cách tiếp tục giảm quy mô mảng ngân hàng đầu tư cũng như bảng cân đối kế toán bằng cách bán đi các tài sản liên quan đến nợ có rủi ro cao. “Mức giá mà họ nhận được bây giờ có thể không giống như trước thời điểm Brexit. Câu hỏi là liệu có ai sẵn lòng mua tài sản của họ trên thị trường, bởi vì bạn không biết điều gì sắp sửa xảy ra trong những tháng tới và bạn không muốn rước thêm rủi ro vào người”, chuyên gia phân tích Tomasz Grzelak của MainFirst nhận xét.

Các vấn đề của Credit Suisse đang tạo sức ép lên Chủ tịch Urs Rohner, người đã mời Thiam về giữ chức CEO. Theo một người thân cận với vụ việc, Rohner cảm thấy nếu ông sai khi chọn Thiam thì cả ông lẫn Thiam có thể sẽ phải ra đi. Liệu Thiam có chứng minh được ông không phải là sự lựa chọn sai lầm.


Ngô Ngọc Châu
(Theo Nhịp cầu đầu tư)

Trở về
Fasshion365.vn- Ads demo
Fashion365.vn