Chuẩn mực 'đàn ông đẹp' thay đổi ra sao trong 100 năm qua
- Cập nhật : 12/12/2016
Đẹp trai, ăn vận có phong cách, thành công trong sự nghiệp, có thể thu hút được cái nhìn của phụ nữ… luôn là những tiêu chuẩn chung để mô tả về một người đàn ông đẹp, đẹp cả hình thể và tài năng.
Nhưng khi nói về ấn tượng bên ngoài, thì mỗi thời kỳ sẽ có sự khác biệt trong chuẩn mực đánh giá vẻ đẹp đàn ông. Có lúc, việc sở hữu cơ thể cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn được đánh giá cao nhất trên thang điểm vẻ đẹp nam tính. Có thời kỳ thì những tiểu tiết như kiểu tóc, kiểu râu cằm – ria mép, làn da nâu… lại được chú trọng. Lại có khi, sự sang trọng trong thời trang mới là thứ quyết định bạn có phải là một người đàn ông đẹp hay không.
Hãy cùng ELLE Man nhìn lại từng thời điểm với những chuẩn mực khác nhau để đánh giá một người đàn ông đẹp trong suốt 100 năm, kể từ đầu thế kỷ 20.
Những năm 1900: Thời đại của các tay đô vật
Vào những năm đầu thế kỷ 20, việc phụ nữ xem đấu vật cũng phô biến như việc họ không thể sống thiếu The Beatles vào những năm 60 vậy. Ngày đó, những cơ thể lực lưỡng trên sới đấu được xem là những người đàn ông đẹp trong mắt phụ nữ. Vận động viên đấu vật rất “có giá” và vị trí trong xã hội.
Những năm 1910: Sang trọng và quý phái
Chỉ một thập kỷ sau đó, tiêu chuẩn về vẻ đẹp của đàn ông thay đổi hoàn toàn bởi Đệ Nhất Thế Chiến, những cơ thể lực lưỡng trên sới đấu nhanh chóng bị thay thế bởi sự lịch lãm của những bộ suit và gương mặt thanh thoát với bộ ria bá tước được chăm chút tỉ mỉ.
Những năm 1920: Bóng bẩy và tiều tụy
Thời kì này, người ta điên đảo với vẻ đẹp bóng bẩy nhưng tiều tụy của Rudolph Valentino, một ngôi sao màn bạc Hollywood khi nền điện ảnh không tiếng vừa ra đời. Bất kì người đàn ông phương Tây nào cũng học theo kiểu chải chuốt và ăn mặc như Rudolph, mái tóc bóc bẩy chải ngược và rẽ ngôi nghiễm nhiên trở thành quy chuẩn của một người đàn ông đẹp thập niên 20.
Những năm 1930: Những bộ ria quyến rũ
Thế giới ngày càng học đòi theo các ngôi sao, hết người ngày rồi người nọ. Vào thập niên này, hình ảnh một người đàn ông đẹp là phải sở hữu một cơ thể rắn chắc kiểu vận động viên: vai rộng, hông hẹp, cơ bắp khỏe và biết tạo dáng. Và nếu sở hữu một bộ ria như Clark Gable, ngôi sao màn bạc đỉnh cao vào thời kỳ đó, thì càng trở nên hoàn hảo trong mắt cả nam lẫn nữ.
Những năm 1940: Vẻ đẹp của lính
Vào thời điểm cả thế giới nói chung và châu Âu nói riêng bị cuốn vào Đệ Nhị Thế Chiến thì mọi thứ đều xoay quanh một người lính. Ăn như lính, ngủ như lính và tất nhiên phải sở hữu một look mạnh mẽ (nhưng râu tóc cạo nhẵn nhụi) như một người lính thì phụ nữ mới yêu.
Những năm 1950: Tình dục phóng khoáng & nổi loạn
Thập niên 50 khá đặc biệt bởi sự trỗi dậy của nhạc Rock và ông hoàng Elvis Presley chính là tâm điểm của mọi ánh hào quang khi ấy. Phụ nữ bị cuốn hút bởi những bước nhảy sexy và say đắm vẻ đẹp của Elvis. Đàn ông đua nhau bắt chước theo cách ăn mặc, kiểu tóc và cả cái điệu bộ nhếch mép “đáng ghét” của Elvis.
Bên cạnh đó, một xu hướng khác rất được lòng nam giới trong những năm 50 là “Tinh thần nổi loạn”. Không chỉ mỗi Elvis có sức ảnh hưởng mà phải kể đến ngôi sao của phim The Wild One, Marlon Brando (người nổi tiếng với vai Bố Già Vito Corleone). Marlon đem đến một hình ảnh hoang dại phong trần trên những chiếc mô-tô với trang phục áo khoác da mà rất nhiều nam giới bắt chước, họ tự gọi mình bằng cái tên “Tough boys”. Thậm chí đến tận ngày nay, phong cách vintage này vẫn còn được ưa chuộng.
Những năm 1960: Khiêu gợi dục tính & Tự do thể hiện bản thân
Vào thời kỳ này, Alain Delin trở thành biểu tượng của sắc đẹp đàn ông trong mắt phụ nữ. Cơ thể săn chắc nhưng không quá đồ sợ, làn da ngâm sạm với khuôn mặt baby và đôi mắt xanh biếc gợi tình trở thành “người tình giường chiếu” trong mơ của bao phụ nữ.
Vào cuối thập niên, hippy và Pyschedelic Rock lên ngôi với tinh thần “tự do thể hiện bản thân”. Jim Morrison, thủ lĩnh của ban nhạc The Doors trở thành biểu tượng quyến rũ hoàn hảo bởi những ca từ sáng tác thể hiện nổi đau quằn quại và thâm sâu. Thuở đó người ta nói rằng, chỉ cần nhìn và lắng nghe anh ấy, tất cả cô gái đều sẽ trở nên nên ngất ngây trong ảo giác dục vọng, còn nam giới sẽ trở nên điên rồ và hành động thái quá.
Những năm 1970: Cơ bắp trở lại
Khi phong trào hippy càn quét khắp thế giới, không còn phân biệt nổi nam và nữ trong phong cách ăn mặc và tính cách thì Arnold Schwarzenegger nổi lên như một vị thần của đỉnh Olympus. Đàn bà trở nên cuồng nhiệt vì Anorld, đàn ông thì ghen tị với anh ấy, chuẩn mực về một người đàn ông đẹp được đem về đúng với vị trí của nó.
Những năm 1980: Vẻ đẹp của vận động viên
Không đòi hỏi phải đồ sộ như Arnold nhưng thời điểm nay, người ta ưa chuộng nhưng cơ thể khỏe mạnh nam tính. Bộ phim truyền hình Baywatch với những cơ thể rắn chắc và làn da rám nắng trở thành thứ nhà nhà đều coi của, trở thành lý do chuẩn mực để nam giới rèn luyện thân thể.
Những năm 1990: Làn sóng Grunge
Thập niên 90 là thời kì của văn hóa Rock Grunge, thứ đã khai sinh ra một thế hệ tự do, họ chẳng quan tâm họ mặc gì hay người khác đánh giá họ ra sao. Nhìn vào Kurt Cobain, ngôi sao của nhóm nhạc Nirvana, bạn sẽ hiểu tất cả. Anh ấy là đại diện của một hình mẫu đàn ông vào thời kỳ đó: thái độ bất cần đời, phong cách luộm thuộm phong trần và lãng mạn, và tất nhiên là cả vẻ đẹp trai khiến cho hàng ngàn trái tim thiếu nữ thổn thức.
Những năm 2000: Thiên niên kỷ mới của Metrosexual
Người ta gọi những năm đầu thế kỷ 21 là thời đại của Metrosexual, ám chỉ những người đàn ông rất chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình, họ rất đỏm dáng, điệu đà nhưng tất nhiên là “trai thẳng”. David Beckham chính là biểu tượng cho hình tượng ấy với thân hình 6 múi, sở hữu nhiều kiểu tóc điệu đà và quần áo đắt tiền. Anh đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi quan điểm của số đông về đàn ông, đặc biệt là về vận động viên cho đến tận ngày nay.
Những năm 2010: Sự trở lại của Hipster & Lumbersexuality
Một lần nữa, giá trị cổ điển từ những năm 40 đã quay trở lại mạnh mẽ trong khái niệm thẩm mỹ của nam giới. Đó là hình ảnh những người đàn ông có những kiểu tóc gọn ghẽ (kiểu tóc undercut hay quiff..) đi kèm râu quai hàm, mặc những bộ quần áo vintage (áo thun kẻ ngang, blazer, kính gọng tròn), ngoại hình hoạt bát vui vẻ và chút hình xăm trên một cơ thể săn chắc.
Gương mặt đại diện cho vẻ đẹp này chính là chàng tài tử tài năng của Hollywood, Ryan Gosling.
Và bắt đầu từ 2015 đến nay, đàn ông lại tìm kiếm một hình ảnh khác “nhiều râu tóc” hơn với kiểu tóc man bun, đi kèm một bộ râu rậm rạp trên một cơ thể to khỏe. Người ta gọi đó là Lumbersexuality (vẻ đẹp của tiều phu).
—
Đức Nguyễn (Tạp chí Phái Đẹp ELLE)