Người thầy của bạn trên đường thành công
- Cập nhật : 13/10/2016
Đường thành công có lẽ là con đường khó đi nhất trong cuộc đời bạn. Nếu đi một mình, bạn sẽ vấp ngã rất nhiều lần và dễ nản chí. Điều này lý giải vì sao bạn luôn cần một người dìu dắt trên những bước đường thành công.
Chân dung người dẫn dắt
“Đó là người nhiều kinh nghiệm, người đã đi tới bến bờ thành công. Họ từng vấp ngã và họ sẽ dạy cho ta những bài học để ta không vấp ngã như họ. Họ quan tâm và sẵn sàng đưa ra lời khuyên giúp hành trình của ta bớt sóng gió” (Trích bài viết “Những người bạn ta cần có trong đời”).
Bên cạnh sự từng trải, người dẫn dắt cũng nên là người cởi mở trong tư duy. Thay vì bắt ta phải nhất nhất nghe theo quan điểm của họ, họ sẽ nhận xét những lỗ hổng trong quan điểm của ta và giúp nó trở nên tốt đẹp hơn. Nói cách khác, họ đang khơi gợi khả năng tiềm ẩn của người học trò.
Người dẫn dắt sở hữu nhiều phẩm chất quý báu
Người dẫn dắt không nên là người nổi tiếng. Họ cách bạn quá xa, họ không hề hiểu bạn và những lời khuyên của họ thiếu tính cụ thể. Hãy để người dẫn dắt là ai đó ở bên bạn mỗi ngày, có thể là người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp ở cơ quan. Họ là một phần cuộc sống của bạn, biết bạn mạnh chỗ nào và yếu chỗ nào. Người nổi tiếng phù hợp với vai trò truyền động lực thúc đẩy bạn tiến lên.
Đi tìm người dẫn dắt
Thật may mắn nếu người dẫn dắt bạn là ai đó quen thuộc. Nhưng lỡ bạn rơi vào trường hợp mà giữa bạn và những người xung quanh không tìm thấy điểm chung? Nghĩa là: Bạn phải lên kế hoạch mở rộng mạng lưới xã hội.
Trước tiên, bạn cần xác định đâu là lĩnh vực bạn muốn theo đuổi. Người thầy tương lai của bạn chỉ nên thuộc lĩnh vực đó mà thôi. Bằng cách thu hẹp phạm vi như thế, việc tìm kiếm người thầy sẽ trở nên dễ thở hơn.
Tìm kiếm người dẫn dắt phù hợp là nhiệm vụ khó khăn.
Bước tiếp theo, đừng bỏ qua những sự kiện liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi. Đó có thể là một buổi hội thảo hoành tráng mà cũng có thể là một buổi workshop thân thiện. Khả năng người thầy lý tưởng sẽ xuất hiện là rất cao, bởi vì chính người đó cũng đang muốn tìm kiếm cơ hội thể hiện bản thân.
Một khi bạn đã nhận diện người mình cần tìm, đừng ngại trở thành kẻ đầu tiên bắt chuyện. Hãy xem cuộc trò chuyện đó như cuộc phỏng vấn xin việc quan trọng. Cho người đó thấy bạn có những gì và mong muốn có thêm những gì. Đồng thời, tìm hiểu xem cách nhìn nhận đường thành công của hai người giống nhau không. Kết thúc “cuộc phỏng vấn”, thêm họ vào danh bạ nhằm tạo tiền đề cho mối quan hệ sau này.
Một điểm đáng lưu tâm: Bạn được phép có nhiều hơn một người dẫn dắt. Mỗi thầy dạy luôn mang giá trị riêng để bổ sung vào hệ thống giá trị của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau.
Nghĩa vụ người học trò
Chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá người thầy thì chúng ta cũng phải đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá bản thân. Quan hệ thầy – trò không nên là mối quan hệ một chiều.
Là người học trò, không nên để cái tôi lấn át kiến thức. Hiểu bình dân: Đừng giấu dốt. Cái gì không biết, cái gì không hiểu thì hỏi ngay. Nhưng không phải hỏi mọi lúc mọi nơi. Người dẫn dắt chỉ là người bình thường, họ cần có khoảng thời gian riêng tư. Viết ra giấy điều bạn thắc mắc và tự đối thoại với bản thân. Loại bỏ những vấn đề bạn có khả năng giải quyết, để lại những vấn đề cấp bách nan giải. Chọn một ngày đẹp trời và gửi bảng câu hỏi cho thầy dạy. Vừa đỡ tốn thời gian người khác vừa rèn luyện cho bạn kỹ năng hoạt động độc lập.
Không ngừng nỗ lực để giỏi hơn thầy! Đó là một mối quan hệ thầy-trò lý tưởng, khi đó bạn sẽ làm rạng danh mình và người thầy, còn người thầy sẽ tự hào về học trò.
Bên cạnh đó, giữa bạn và người dẫn dắt nên tồn tại mối quan hệ bình đẳng. Họ đã dành thời giờ để nghe bạn đặt câu hỏi và trả lời. Đừng quay lưng với họ chỉ vì bạn không cần họ nữa hoặc chính họ yêu cầu sự trợ giúp từ bạn. Có lẽ, họ không mong mỏi sẽ nhận được gì ở bạn. Chính bản thân bạn phải tự ý thức điều này.
Sau cùng, giữa hai người không nên có khoảng cách. Suy nghĩ rằng bạn không bao giờ được giỏi hơn “thầy” là một suy nghĩ rất tồi. Hãy luôn khao khát vượt qua người dẫn dắt, vì người xưa từng nói: “Trò mà giỏi ngang thầy là chỉ báo đáp thầy một nửa. Trò mà giỏi hơn thầy mới là báo đáp thầy trọn vẹn”.
____________
Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE