Những tỉ phú “điên” làm thay đổi thế giới như thế nào?
- Cập nhật : 08/08/2016
(Tin kinh te)
Cuộc đua không gian vũ trụ của các tỉ phú đã leo thang từ việc đưa tên lửa vào quỹ đạo, cho đến đưa tàu vũ trụ đến chòm sao Alpha Centauri.
Yuri Milner, một tỉ phú internet của Nga, muốn trả lời một câu hỏi lớn đang hiện hữu: “Liệu chúng ta chỉ có một mình trong vũ trụ này?”. Ông đã tung ra một dự án lắng nghe những dấu hiệu từ vũ trụ, sử dụng 2 trong số những thiết bị viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới. Tháng 4 vừa qua, ông đã tiết lộ kế hoạch phóng một hạm đội các tàu vũ trụ nhỏ đến Alpha Centauri, cách trái đất 40.000 tỉ km. Những con tàu này được phóng đi bằng cách sử dụng những chùm tia laser và được trang bị với đầy đủ tất cả những loại cảm biến.
Ngài Richard Branson, ông chủ của Tập đoàn Virgin Group và Elon Musk, nhà tỉ phú đang điều hành hãng xe điện Tesla, cũng đều đã thành lập các công ty hoạt động trong lĩnh vực không gian vũ trụ là Virgin Galactic và Space X. Ngài Richard muốn biến du lịch không gian thành một ngành hái ra tiền, trong khi Musk đặt mục tiêu “làm sao để mọi người có thể sống ở những hành tinh khác”.
Ngày xưa, cuộc đua không gian vũ trụ được thúc đẩy bởi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô. Còn ngày nay, đó là cuộc cạnh tranh giữa các nhà tư bản chủ nghĩa cá nhân. Nhưng không gian vũ trụ không phải là lĩnh vực duy nhất mà các nhà tỉ phú muốn chinh phục. Sergey Brin, đồng sáng lập Google, hy vọng sẽ sản xuất thịt nhân tạo từ tế bào gốc. Musk có tham vọng “tái tạo” ngành đường sắt bằng cách vận chuyển hành khách qua những đường ống kín mít với tốc độ cực nhanh.
Những nhà tỉ phú đặc biệt hứng thú với các dự án “lừa gạt thần chết”. Peter Thiel, đồng sáng lập công cụ thanh toán trực tuyến PayPal, tuyên bố “một sứ mệnh vĩ đại mà thế giới hiện đại vẫn chưa hoàn thành, đó là biến cái chết từ việc là một sự thật của cuộc sống trở thành một vấn đề có thể được giải quyết”. Larry Ellison, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oracle, thì nói: “Thần chết chưa bao giờ có ý nghĩa gì với tôi cả. Làm thế nào một người có thể ở đó và sau đó biến mất?”. Cả Thiel và Ellison đều đã đầu tư số tiền lớn vào nhiều dự án khác nhau nhằm nghĩ ra những cách giúp đảo ngược tiến trình lão hóa. Dmitry Itskov, một trong những người đi tiên phong trong ngành internet tại Nga, nói mục tiêu của ông là sống cho đến... 10.000 tuổi.
Lịch sử đầy những ví dụ về những người giàu có sở hữu các ý tưởng lớn. Howard Hughes đã dành cả thập niên 1930 để thử nghiệm máy bay cải tiến, sáng tạo và đã lập những kỷ lục trong ngành hàng không (ông đã suýt mất mạng vì những thử nghiệm này). Ông cũng đã thành lập một phòng khám y khoa với nhiều mục tiêu trong đó có mục tiêu khám phá ra “thuở ban đầu của sự sống”.
Còn Andrew Carnegie, một ông trùm trong ngành thép, người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX và Alfred Nobel, nhà phát minh ra thuốc nổ, đều bị ám ảnh bởi ý tưởng làm sao xóa sổ vĩnh viễn chiến tranh. Henry Ford, nhà sáng lập hãng xe Ford Motor, đã tung ra một loạt các dự án đầy tham vọng nhằm biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Vào năm 1915, chẳng hạn, ông đã đưa một con tàu toàn những doanh nhân hàng đầu cùng các nhà hoạt động vì hòa bình đến châu Âu với sứ mệnh chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Hay vào năm 1928, ông đã cố công xây dựng một thành phố nhà máy Mỹ giữa rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Cái tôi của họ cũng thể hiện rất rõ. Những tỉ phú cạnh tranh với nhau để tạo ra các dự án thu hút sự chú ý nhất, cũng như họ cạnh tranh trong việc điều hành những doanh nghiệp thành công nhất. Điều đó giúp giải thích tại sao cuộc đua không gian vũ trụ của các tỉ phú đã leo thang từ việc đưa tên lửa vào quỹ đạo, cho đến đưa các tàu vũ trụ đến Alpha Centauri.
Nhưng cũng có không ít dự án, nỗ lực bị “chệch hướng” hoặc thất bại. Lấy ví dụ, vào năm 2010, Mark Zuckerberg đã tặng 100 triệu USD cho Newark nhằm cải thiện tính hiệu quả của hệ thống trường công ở New Jersey này. Mục tiêu của Zuckerberg là vực dậy Newark trong vòng 5 năm. Nhưng sau 5 năm, các trường học của Newark vẫn không được cải thiện là bao.
Trong khi đó, cuộc thám hiểm Amazon của Henry Ford cũng đã tan tành. Còn chuyến đi của ông đến châu Âu nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng trở thành trò cười cho thiên hạ: báo chí đã đổi tên cho con tàu của ông thành “tàu của những gã ngốc” và người Na Uy “chẩn đoán” ông bị mắc chứng Stormannsgalskap, tức “chứng điên rồ của những người vĩ đại”.
Nhưng sự điên rồ đó lợi nhiều hơn hại. Những doanh nhân giàu tiền lắm bạc không chỉ giúp gia tăng số dự án “điên rồ” với mục đích làm thay đổi thế giới mà họ cũng cho thấy những cách suy nghĩ mới lạ. Ý tưởng của Milner trong việc liên lạc với người ngoài hành tinh đã thách thức một số giả định của những người hoạt động trong ngành không gian vũ trụ Mỹ bằng cách sử dụng các con tàu vũ trụ nhỏ và những chùm tia laser, hơn là dùng con tàu lớn hơn và nhiên liệu tên lửa.
Những tỉ phú tài năng nhất có khả năng xuất sắc kết nối giữa các ý tưởng lớn với tính thực dụng rất sâu sắc. Tổ chức Gates Foundation, chẳng hạn, đang theo đuổi mục tiêu xóa sổ bệnh bại liệt và bệnh sốt rét và họ đang làm rất tốt. Đôi khi những ý tưởng vĩ đại có thể làm nên điều vĩ đại cho dù không đạt được mục tiêu cuối cùng mà họ đặt ra: Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace do ông Carnegie sáng lập vào năm 1910 và giải Nobel Hòa bình đã làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn dù ông Carnegie và ông Nobel đã không chấm dứt hoàn toàn được chiến tranh. Chúng ta rõ ràng không thể thay đổi thế giới khi không xem những điều mà hầu hết mọi người cho rằng “sự thật hiển nhiên của cuộc sống” như “những vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết”
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)