Thị trường ô tô cỡ nhỏ cạnh tranh khốc liệt
- Cập nhật : 05/09/2016
Việc giảm thuế TTĐB đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các hãng ô tô, nhất là đối với dòng xe có dung tích nhỏ.
Các “ông lớn” tung chiêu khuyến mãi
Chị Quỳnh Anh (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) hồ hởi cho biết gia đình vừa “tậu” một chiếc xe du lịch cỡ nhỏ, có dung tích xi lanh 1.500cc (1.5L) của hãng Ford, mẫu Eco Sport 1.5L MT Trend với mức giá chỉ 585 triệu đồng (chưa bao gồm thuế VAT).
Mặc dù chồng chị thích những dòng xe dung tích lớn trên 2.0L vì máy khỏe nhưng suy đi tính lại về điều kiện kinh tế, giá nhiên liệu, hơn nữa trong thời điểm vừa qua, mẫu xe mà chị lựa chọn đã được hãng Ford giảm giá 23 triệu đồng/xe (trước đó mẫu xe này có giá hơn 600 triệu) nên rất phù hợp với túi tiền của gia đình.
Không riêng gì hãng Ford, tại Việt Nam trong vài tháng qua nhiều hãng xe lớn như Toyota, Honda, Kia, Mazda... đã đồng loạt điều chỉnh giá bán đối với dòng xe dưới 10 chỗ, trang bị động cơ có dung tích xi lanh dưới 1.5L để đón đầu mức áp dụng thuế suất thuế TTĐB giảm còn 40% so với 45% trước đây, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016.
Theo cách tính toán thông thường, khi thuế giảm 5% thì giá xe sẽ giảm theo trung bình từ 500 - 1.000 USD (tương đương 15 - hơn 20 triệu đồng/xe). Thậm chí, một số hãng còn mạnh tay giảm đến cả trăm triệu đồng/xe đối với một số mẫu có doanh số bán hàng thấp để thu hút khách hàng, giải phóng hàng tồn.
Chưa kể việc giảm giá xe sẽ kéo theo một loạt các chi phí khác được tiết giảm đáng kể như phí trước bạ cũng giúp khách hàng tiết kiệm đến cả gần chục triệu đồng trên giá thành cuối cùng trước khi xe lăn bánh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính yếu tố giá giảm, phù hợp hơn với điều kiện thu nhập của người tiêu dùng trong nước đã khiến cho doanh số bán hàng của các hãng xe trong thời gian qua có sự khởi sắc đáng kể. Đặc biệt tháng đầu năm 2016, doanh số bán hàng trên toàn thị trường đạt con số trên 23.000 xe, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, một số hãng xe ghi nhận mức bán hàng đối với một số mẫu xe tăng cao đến 50 - 60%. Số liệu báo cáo bán hàng tháng 6/2016 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, mặc dù doanh số bán hàng có sụt giảm so với đầu năm, nhưng tổng số xe bán ra trên thị trường cũng đã đạt con số 24.421 xe, với gần 13.000 xe du lịch.
Con số này nếu đem so sánh với cùng kỳ năm trước vẫn tăng ở con số trên 30%. Điều này cho thấy việc điều chỉnh mức thuế có tác động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng trong nước.
Tập trung vào phân khúc dung tích nhỏ
Không bỏ lỡ cơ hội tăng thị phần, gần 20 hãng xe trong và ngoài nước đã lập tức “tung” ra biểu giá bán hàng mới đối với dòng xe cỡ nhỏ. Cụ thể, “ông lớn” Toyota vốn được coi là khá bảo thủ trong chính sách bán hàng về giá tại thị trường Việt Nam bởi mức tiêu thụ nhiều dòng xe của hãng này luôn ở mức cao, song trước xu hướng cạnh tranh, giảm giá mạnh của nhiều hãng xe khác, Toyota cũng không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc khi công bố mức giảm từ 21 – 59 triệu đồng đối với từng mẫu xe như Vios G giá cũ 649 triệu (chưa bao gồm VAT), nay còn 622 triệu, Yaris E giá cũ 638 triệu sau điều chỉnh chỉ còn 617 triệu...
Tương tự, một loạt mẫu xe dung tích nhỏ dưới 1.5L của các hãng như Honda, Kia, Mazda... cũng âm thầm hạ giá khoảng vài chục triệu đồng/mẫu xe, tạo ra cuộc chạy đua khốc liệt về giá bán.
Phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng và phát triển thị trường của một hãng xe Nhật Bản cho biết, đến năm 2018 nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0% sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh thực sự quyết liệt và hình thành mặt bằng giá mới trong nước. Mặc dù khi giá giảm, chất lượng ngày càng tăng thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra lúc này đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ chọn cho mình hướng đi nào phù hợp để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng về chính sách chăm sóc bán hàng, hậu mãi khi cạnh tranh về giá không còn là "con át chủ bài" đối với thị trường ô tô.
Hơn nữa, việc có mở rộng chiến lược bán hàng và cho ra đời thêm các mẫu xe cỡ nhỏ vào thời điểm hiện tại khi nhu cầu tăng hay không vẫn đang được các hãng xe tính toán cẩn thận bởi nếu quá tập trung vào một thời điểm sẽ dẫn đến việc dư thừa nguồn cung và việc cạnh tranh kém lành mạnh trên thị trường rất dễ xảy ra.
Minh Anh
(Thời báo Ngân hàng)