Câu chuyện lịch sử của đôi giày tây
- Cập nhật : 30/09/2016
Bạn có biết lịch sử đôi giày tây nam giới bắt nguồn từ nước Anh vào thế kỷ 19? Hãy khám phá thêm về câu chuyện và những biến tấu thú vị của đôi giày tây.
Người Anh đã từng thống lĩnh thị trường làm giày tây cho nam, và đưa ra những chuẩn mực của một đôi giày đẹp.
Từ quân đội nước Anh…
Bạn có biết rằng quân đội đã có những tác động lịch sử đến sự phát triển của đôi giày tây dành cho nam giới? Hai kiểu bốt nổi tiếng là Wellington và Blucher đều được đặt theo tên của người phát minh, vốn là Thống tướng Anh quốc và nước Phổ. Bốt Wellington ra đời vì những người thợ giày ở London của tướng Wellington được ông đặt hàng một thiết kế da bê mềm, ôm sát, cứng cáp và đủ bền cho những trận chiến nhưng vẫn thanh lịch khi diện tới các buổi tiệc.
Tướng Wellington đã đặt sản xuất riêng những đôi giày da bê mềm cho những trận chiến nhưng vẫn thanh lịch khi diện tới các buổi tiệc
Một biến tấu hiện đại của kiểu bốt Wellington
Blucher, kiểu bốt thấp ngang mắt cá chân có dây cột trước lưỡi giày, cũng trở nên phổ biến sau khi được tướng Blucher chỉ định sử dụng cho các binh sĩ của mình. Sự ra đời của lỗ xỏ dây bằng kim loại vào những năm 1820 khiến kiểu giày Blucher càng trở nên thu hút.
Sau đó, kiểu giày tây với tên gọi Oxford (nổi tiếng với những biến thể như Cap-toe, Wing-tip, Brogue và Balmoral) ra đời và được yêu thích đến tận ngày nay.
Người Anh từng thống lĩnh thị trường giày tây cao cấp của cả thế giới giữa hai cuộc Thế chiến, tạo nên quan niệm rằng chỉ giày tây kiểu Anh mới đủ sành điệu. Thời tiết lạnh lẽo và ướt át đặc trưng của xứ sương mù đòi hỏi phương pháp đóng giày cứng cáp, phần thân da được khâu vào phần đế đã được viền, tạo nên những đôi giày có vẻ ngoài vững chắc, hoàn hảo khi diện cùng Âu phục có phần vai và thân rộng thời bấy giờ. Những chất liệu cao cấp cùng tay nghề thủ công tinh tế khiến giá giày đội lên cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, câu nói “Tiền nào của nấy” quả là không sai, nhất là đối với giày nam.
…Đến nghệ nhân nước Ý
Sự lên ngôi của Âu phục ôm sau những năm 1980 khiến xu hướng giày nam có những biến chuyển ngoạn mục. Các thiết kế giày trở nên gọn và ôm hơn, mũi nhỏ và đế mỏng hơn.
Người Ý vốn yêu ánh nắng Địa Trung Hải, lối sống phóng khoáng cùng những trang phục nhẹ nhàng, tinh tế đã đưa những mẫu giày nam thanh thoát lên ngôi.
Sau Thế chiến II, những người đàn ông cũng bắt đầu chán giày có kiểu may viền mép và chuyển sang yêu thích những đôi có thân bằng da bê cao cấp, được dán trực tiếp vào đế.
Sau này, nhiều quý ông bắt đầu ưa thích những đôi giày tây làm bằng da bê, phần thân dán liền vào đế giày của người Ý
Được hoàn thiện bởi tay nghề thủ công siêu hạng, những mẫu giày Ý kiểu dáng slipper và bốt đi tiệc đế mỏng trở nên đặc biệt thích hợp với kiểu Âu phục tân kỳ, kết hợp cùng quần Tây gọn gàng và thanh lịch.
Người Ý cũng làm mới những loại giày dép đời thường, điển hình là kiểu penny loafer kinh điển của Mỹ. Mẫu giày lười này có nguồn gốc từ loại moccasin được các ngư dân Na Uy ưa chuộng và sau đó khi được du khách Mỹ phát hiện vào giữa những năm 30.
Cũng như jeans và măng-tô, giày lười loafer (hay còn gọi là giày mọi) trở thành một biểu tượng thời trang, bất biến với thời gian và thích hợp cho cả nam lẫn nữ. Gucci chính là nhà mốt thành công nhất khi làm mới loafer bằng cách nâng cấp chất liệu da, làm mỏng đế, kéo dài mũi giày và thay phần khe tiền xu bằng khóa kim loại hình bàn đạp ngựa. Giày mọi từ đó trở thành biểu tượng sang trọng của các tay chơi và giới thượng lưu quen đi lại bằng máy bay.
Ngày nay, Giày mọi vẫn là lựa chọn hoàn hảo nhất để bạn sử dụng vào ngày cuối tuần hay khi đi du lịch. Bạn đừng ngại nếu đôi loafer mình yêu thích có giá hơi cao, vì không có gì phá hỏng phong cách thời trang hoàn hảo nhanh hơn một đôi giày không tương xứng!
1. Giày Oxford da bê màu nâu bóng 2. Giày Oxford cột dây của Gucci 3. Giày Loafer Gucci 4. Giày Oxford da rắn của Maison Martin Margiela