Những địa danh nào được in trên các tờ tiền Việt Nam?
- Cập nhật : 26/08/2016
(Du lich)
Các địa danh trên đồng tiền Việt Nam đều là những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hay công trình nổi tiếng thu hút khách tham quan như vịnh Hạ Long, Văn Miếu, thủy điện Trị An, Chùa Cầu Hội An...
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh
Trên tờ 200.000 đồng là hình ảnh hòn Đỉnh Hương thuộc Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất.
Đây là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rặng san hô, câu cá giải trí. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền.
Tây Nguyên
Tờ 1000 đồng là hình ảnh người lao động cưỡi voi khai thác gỗ tại Tây Nguyên. Hiện nay, vấn đề khai thác gỗ cũng như săn bắt voi đang gây nhức nhối cho các cơ quan chức năng. Việc khai thác bất hợp pháp và giết hại những chú voi để lấy ngà đang khiến cho các khu rừng tại Tây Nguyên "kêu cứu".
Cảng Hải Phòng
Trên tờ 500 đồng là hình ảnh cảng Hải Phòng. Đây là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Nhà máy dệt Nam Định
Tờ 2000 đồng là hình ảnh các cô công nhân đang làm việc tại Nhà máy dệt Nam Định. Đây từng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương. Sự ra đời của nhà máy đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân hình thành và lớn mạnh không ngừng.
Mỏ dầu Bạch Hổ
Tờ 10.000 đồng là mỏ dầu Bạch Hổ nằm ở vị trí đông nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km. Đây là nơi cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Việt Nam hiện nay. Mỏ Bạch Hổ hiện đang khai thác bằng chế độ tự phun, góp phần không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà.
Nhà máy Thủy điện Trị An, Đồng Nai
Trên tờ 5000 đồng là hình ảnh Nhà máy thủy điện Trị An, được xây dựng trên sông Đồng Nai. Nhà máy được hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Tuyến áp lực chính gồm đập ngăn sông và đập tràn. Công trình thủy điện Trị An còn có ý nghĩa kinh tế tổng hợp với mục đích chính hòa lưới điện quốc gia cùng với các nhà máy khác cung cấp điện cho phụ tải toàn quốc. Ngoài ra, là thủy điện đa mục tiêu, công trình còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ...
Chùa Cầu, Hội An
Bất cứ ai đến Hội An đều không thể không ghé qua Chùa Cầu. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Hình ảnh ngôi chùa này được in trên tờ polyme mệnh giá 20.000 đồng.
Văn miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam được in trên tờ tiền 100.000 đồng. Đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được đưa vào danh sách xếp hạng 23di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.