5 “bí mật” đằng sau chặng đường xây dựng đế chế của Micheal Bloomberg
- Cập nhật : 08/08/2016
(Doanh nhan)
Năm 1981, ở tuổi 39, Bloomberg chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Nhưng ông đã không quay đầu hay dừng lại mà đã nảy ra ý tưởng đáng giá nhiều tỷ đô.
Với xuất phát điểm chỉ là một nhân viên trông xe, Michael Bloombergtừng có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm thị trưởng thành phố New York. Ông cũng là người sáng lập và sở hữu 88% cổ phần Bloomberg LP, một tập đoàn truyền thông về tin tức và dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới. Với khối tài sản 47,5 tỷ USD, Michael Bloomberg hiện là tỷ phú giàu thứ 8 thế giới ở tuổi 74 (theo Forbes).
Dưới đây là những chia sẻ về bí quyết tạo nên thành công của tỷ phú Michael Bloomberg - một người từng gây dựng nên tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới từ con số 0 tròn trĩnh, một thị trưởng thành phố New York với mức lương 1 USD mỗi năm và một nhà từ thiện nổi tiếng thế giới.
1. Chấp nhận rủi ro
Cuộc đời là quá ngắn ngủi để bạn lãng phí thời gian vào việc lo sợ mình sẽ thất bại!
Năm 1981, ở tuổi 39, tôi chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Tuy nhiên, tôi không thể quay đầu hay dừng lại bởi cuộc sống vốn dĩ vẫn tiếp tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã đưa ra một quyết định mạo hiểm mà hầu hết mọi người cho rằng nó sẽ thất bại: làm cho thông tin tài chính trở nên dễ dàng tiếp cận hơn ngay từ bàn làm việc của mỗi người. Thời điểm đó máy tính cá nhân vẫn là một thứ xa lạ với nhân viên văn phòng.
Năm 2001, một lần nữa khi tôi đang đấu tranh tư tưởng xem có nên chạy đua vào chức thị trưởng thành phố hay không, hầu hết mọi người đều khuyên tôi nên từ bỏ ý định này. Họ lo sợ tôi sẽ thất bại. Nhưng một người bạn của tôi đã nói rằng: “Nếu anh có thể khiến mọi người hiểu về anh chỉ bằng một bài diễn thuyết thì tại sao lại không thử chứ?”
Có lẽ đó là lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận được. Để có thể thành công, bạn cần phải sẵn sàng chấp nhận thất bại và đủ can đảm để đối mặt với nó bất cứ lúc nào.
2. Tự tạo ra may mắn cho chính mình
Không thể phủ nhận rằng may mắn luôn đóng một vai trò quan trọng quyết định thành công. Nhưng nếu bạn làm việc chăm chỉ, may mắn cũng sẽ mỉm cười với bạn.
Khi bạn làm bất cứ một việc nào đó dù nó không phải là công việc trong mơ của bạn, hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hết sức mình. Hãy là người đầu tiên đến văn phòng mỗi sáng và là người cuối cùng ra về buổi tối. Làm việc chăm chỉ sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn là bản CV của bạn.
3. Luôn kiên trì
Sự kiên trì luôn được đền đáp xứng đáng. Khi mới thành lập công ty, mỗi sáng tôi đều đi đến trung tâm thành phố, mua vài tách cà phê, sau đó mang chúng đến toà nhà Merrill Lynch và tiếp cận các khách hàng mục tiêu của mình.
“Xin chào, tôi là Mike Bloomberg. Tôi mang đến cho bạn một tách cà phê, liệu tôi có thể nói chuyện với bạn được không?” Đó là cách tôi bắt chuyện với họ. Ngay cả khi họ tò mò tự hỏi xem tôi là ai và tôi đến từ đâu, họ vẫn nhận lấy tách cà phê.
Tôi tiếp tục quay lại nơi này, ngày qua ngày bắt chuyện và xây dựng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, tôi hiểu được nhu cầu của họ, biết được khách hàng cần gì và áp dụng vào các sản phẩm của mình. Ba năm sau khi bắt đầu Bloomberg LP, Merrill Lynch đã mua 20 cổng dữ liệu và trở thành khách hàng đầu tiên của chúng tôi.
4. Không ngừng học hỏi
Tôi cho rằng, trong tiếng Anh từ quan trọng nhất chính là “Why” (tại sao). Đó là một từ mang ý nghĩa gợi mở, giúp chúng ta học hỏi và mở rộng đầu óc. Dù bạn chọn lĩnh vực nào để khởi nghiệp kinh doanh, hãy cố gắng là một sinh viên suốt đời.
Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp những người luôn cho rằng họ không cần phải học nữa vì họ đã có đủ kiến thức cần thiết. Từ yêu thích của họ là “Không” và họ đưa ra hàng trăm lý do để biện minh cho thất bại hay khuyên bạn nên bỏ cuộc.
Điều bạn cần làm là bỏ qua những người này, đừng nản lòng vì những lời nói của họ. Khi nào bạn còn muốn học hỏi và cải thiện bản thân, thì khi đó bạn sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
5. Biết cho đi
Bạn phải chịu trách nhiệm cho những thành công hay thất bại của chính mình nhưng bạn sẽ chỉ thành công thật sự khi bạn biết chia sẻ nó với người khác. Vào cuối mỗi ngày, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Liệu mình có đang thay đổi cuộc sống của những người khác theo hướng tốt hơn hay không?”
Tôi vẫn còn nhớ khoản từ thiện đầu tiên mà tôi làm là đóng góp 5 USD cho trường cũ -Đại học Johns Hopkins, không lâu sau khi tốt nghiệp. Ngày hôm nay, tôi quay trở lại với một tấm chi phiếu lớn hơn nhưng vẫn với tinh thần năm xưa. Bạn không cần phải quá giàu có để biết cho đi. Bạn có thể đóng góp bằng sức lực, thời gian và tài năng của mình. Hãy cố gắng mở lòng với những người xung quanh và trao cơ hội cho họ khi bạn có thể!